Hình ảnh chủ đề của Storman. Được tạo bởi Blogger.

Business

Flickr Widget

Recent

Popular

Comments

Random Posts

Facebook

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Chuyện ít biết về tượng Phật Ngọc lớn nhất thế giới

Những người thợ nổi tiếng ở Thái Lan đã phải dùng lưỡi cưa bằng kim cương mới có thể xẻ khối ngọc thạch 18 tấn để chế tác Phật Ngọc hòa bình thế giới. Pho tượng từng gặp tai nạn khi vận chuyển bằng container.



Ít ai biết pho tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới đang được cung nghinh tại chùa Nam Hải dưới chân núi Hải Vân (Đà Nẵng) lại thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Ian Green và bà Judy Green ở Australia. Năm 2000, khối ngọc thạch nặng 18 tấn được tìm thấy tại một ngọn núi có nhiều đá quý ở miền Bắc Canada. Người ta đặt cho khối ngọc cái tên "Niềm kiêu hãnh của Bắc Cực". 
Tận mắt chứng kiến khối ngọc quý giá với kích thước lớn, ông Ian Green, vốn làm nghề kinh doanh, đã quyết định bỏ số tiền lớn để chiến thắng trong cuộc đấu giá vào đầu năm 2003. Có được khối ngọc, Ian hỏi sư phụ của mình là nhà sư Zopa Rinpoche nên làm gì.
Ngài Zopa tiên đoán khối ngọc sẽ trở thành Phật để "thắp sáng đến toàn thế giới" nên hôm sau đã nói với Ian: "Con phải làm cho khối ngọc quý báu này trở thành một Tôn Tượng Phật Ngọc để cho toàn thế giới biết đến".

Ian vâng theo. Phật Ngọc được tạc theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong bảo tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Những người thợ điêu khắc hàng đầu của Thái Lan từ vùng Chiang Rai đã được lựa chọn để khắc tượng Phật Ngọc.
Để cắt miếng ngọc lớn, họ phải dùng đến những máy khoan mũi bằng kim cương, sau đó điêu khắc bằng tay. Bức tượng thành hình và được đánh bóng. Năm 2008, một họa sĩ nổi tiếng người Nepal đã vẽ khuôn mặt, tóc và bình bát. 
Phật Ngọc hòa bình thế giới sau khi hoàn thành nặng hơn 6 tấn, được các sư Thái Lan chú nguyện. Những miếng ngọc nhỏ hơn cắt ra từ khối 18 tấn được dùng làm tượng nhỏ hay làm đồ trang sức, lưu niệm. 
Với tâm niệm sẽ đưa Phật Ngọc đi triển lãm vòng quanh thế giới để nhiều người biết tới, ban đầu ông Ian chọn Singapore nhưng Hòa thượng Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoàng Pháp (TP HCM) phản hồi phật tử Việt Nam đã đóng góp nhiều bằng việc cúng dường để làm Phật Ngọc, tại sao không đưa về Việt Nam.
Tháng 3/2009, pho tượng được đưa từ Thái Lan sang Việt Nam và chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng) là nơi đầu tiên được cung nghinh Phật Ngọc. Sau đó Phật Ngọc đã hành trình đến triển lãm tại Australia. Năm 2010, pho tượng đi đến 26 thành phố tại Mỹ và 3 tiểu bang của Canada; năm 2011 triển lãm tại 5 nước châu Âu. Hàng triệu người đã đến chiêm bái.
Phật Ngọc được vận chuyển như thế nào
Bà Nguyễn Mỹ Linh, người điều hành Phật Ngọc hòa bình tại Việt Nam, cho biết việc vận chuyển tượng không thể bằng máy bay vì quá nặng. Mỗi khi được đưa đi triển lãm, Phật Ngọc lại hành trình vượt biển từ quốc gia này đến quốc gia khác, được giằng néo cẩn thận. Hào quang, nhục kế (tóc) và bình bát của tượng Phật được tháo rời, đặt trong các thùng container cẩu lên tàu vận tải.


"Việc khó nhất khi từ nước này đến nước khác là phải xin các thủ tục hải quan, giấy phép triển lãm", bà Linh nói. Lên đất liền, pho tượng có một đội xe chuyên chở. Phật Ngọc đặt trong một khung sắt được thiết kế riêng, chằng lại bằng dây cao su. Bốn góc khung sắt cũng được chế tạo các móc khóa để khóa chặt khung vào thùng container, tránh bị xê dịch trong quá trình di chuyển trên đường. 

Tượng Phật khi được chuyển bằng xe container đến các chùa được cẩu hạ xuống, rồi đưa lên 4 trụ sắt là chân đế ngai Phật Ngọc, khóa lại cẩn thận. Sau đó các nhân viên vận chuyện lắp đặt ba bệ trắng là kim tòa che khung sắt lại. Mỗi lần ráp tượng phải mất khoảng 3 giờ và đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng thao tác. Các nhà sư thường đảm trách công đoạn đặt nhục kế và bình bát.
"Những chùa ở trung tâm thì đỡ vất vả. Còn khi vận chuyển đến các chùa xa, địa hình hiểm trở, chúng tôi phải đến trước khảo sát đường đi, vị trí đặt tượng để lên phương án, liên hệ thuê xe cẩu, xe nâng. Như khi đưa Phật Ngọc đến Quảng Ninh, chúng tôi phải thuê xe cẩu từ Hải Phòng", bà Linh cho hay.
Khi tượng được cung nghinh đến các chùa, sẽ có những người trong gia đình phật tử theo sát để canh giữ, không cho Phật tử hay du khách sờ tay lên tượng, nhằm bảo quản. Kết thúc triển lãm ở mỗi điểm, Phật Ngọc lập tức được di chuyển bằng container đến nơi khác. Nhiều lần đi gấp, cảnh sát giao thông dừng xe lại. Khi biết bên trong đang vận chuyển tượng Phật Ngọc, cảnh sát sẵn sàng đưa xe đi dẹp đường để tượng được đưa vào chùa đúng tiến độ.
Theo bà Linh, đến nay Phật Ngọc hòa bình thế giới là pho tượng được làm từ ngọc nguyên khối, to và đẹp nhất thế giới. Dù Phật Ngọc thuộc sở hữu tư nhân nhưng mỗi chùa khi cung nghinh chỉ phải trả chi phí vận chuyển. Nhiều chùa đã cung nghinh Phật Ngọc hòa bình thế giới, nhưng khi biết pho tượng tiếp tục được đưa đi triển lãm, các nhà sư xin đăng ký để cung nghinh thêm lần 2.
"Mục đích của ông Ian khi đưa Phật Ngọc đi triển lãm là ai có cơ duyên chiêm bái Phật Ngọc sẽ có được bình an trong tâm hồn. Điều tôi lấy làm xúc động là không chỉ phật tử mà ngay cả du khách hay người của các tôn giáo khác cũng đến chiêm ngưỡng tượng", bà Linh nói.


Bà Linh cho biết, khi vận chuyển Phật Ngọc hoàn toàn không lo bị cướp, nhưng sợ nhất là tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Năm 2012, Phật Ngọc hòa bình thế giới đang được vận chuyển bằng container tại Đức thì bị va chạm với một ôtô khác. Thùng container chứa tượng Phật đổ xuống đường, trầy xước bên ngoài. Rất may pho tượng đã được chằng néo cẩn thận nên không bị ảnh hưởng. Đấy cũng là tai nạn liên quan đến pho tượng từ năm 2009 đến nay.
Sau chùa Nam Hải (Đà Nẵng), Phật Ngọc hòa bình thế giới sẽ tiếp tục được cung nghinh tại chùa ở Hà Nội, Thái Nguyên và sau đó ngược vào TP HCM, sang Hàn Quốc trước khi về lại Australia. Lý giải việc pho tượng không được vận chuyển thuận đường đi, bà Linh cho biết do nhiều chùa đã đăng ký nhưng đến giờ chót không xin được giấy phép nên hủy lịch cung nghinh. 
Hiện tại, ông Ian cho xây dựng một đại bảo tháp tại Australia để đưa Phật Ngọc hòa bình thế giới về an vị sau khi kết thúc hành trình qua 20 quốc gia và 90 thành phố trên toàn thế giới. Bảo tháp sẽ luôn mở cửa để phật tử và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Nguyễn Đông vnexpress

0 on: "Chuyện ít biết về tượng Phật Ngọc lớn nhất thế giới"